Tiếp tục 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trong năm học 2017 - 2018

Bộ trường Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2017-2018 tiếp tục tăng cường nề nếp kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục với tinh thần "quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội".

Những chuyển biến ban đầu

Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT toàn quốc được tổ chức trong 2 ngày 14, 15/7 tại thành phố Đà Nẵng đã nhìn nhận 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành giáo dục theo tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã tác động đến nhận thức và hành động của toàn ngành.

Cụ thể, các địa phương đã quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Các chủ đề giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh.

20170717094444-giam-doc-so

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các vụ, cục, viện, đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc 63 Sở GD-ĐTtrong cả nước.

Việc triển khai dạy và học ngoại ngữ được điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ cho phù hợp phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.

Đáng lưu ý, hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh thông qua việc ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về giáo dục đào tạo, tiếp nhận công nghệ mới về dạy học, quản lý nhà trường.

Việc đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; nhiều cuộc thi, hội thi đã được cắt bỏ để giảm áp lực.

Bộ GD-ĐT nhìn nhận “một trong những điểm sáng của năm học là kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh”.

Cùng với đó, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành, Bộ GD-ĐT hiện đang tích cực rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những hạn chế như: Thực hiện quy hoạch mạng lưới chậm được triển khai; tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước...

Tiếp tục tăng cường kỷ cương nề nếp, nâng cao chất lượng giáo dục

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017.

Bước sang năm học 2017-2018, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Mục tiêu của năm học là tiếp tục tập trung vào nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân"

Theo đó, 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp của ngành sẽ tiếp tục được triển khai với nội hàm phù hợp với yêu cầu của từng năm học.

Trong số các giải pháp, ngành giáo dục sẽ tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Bên cạnh đó, sớm ban hành chỉ số chất lượng để hướng tới phân tầng, xếp hạng chất lượng giáo dục của mỗi địa phương.

Bộ trưởng cũng lưu ý công tác thi đua, khen thưởng cần đi vào thực chất nhằm từng bước đẩy lùi căn bệnh thành tích và lộ trình thực hiện giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, giáo viên.

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu

1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học: Khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp phải thoát khỏi khu vực nội đô, khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông. Tăng cường xã hội hóa với nhóm trường, lớp chất lượng cao.

Ở miền núi khó khăn, có lộ trình sắp xếp trường, lớp hợp lý, đảm bảo chuẩn bị tốt tâm lý cho phụ huynh và học sinh. Riêng với bậc học mầm non và các lớp tiểu học đầu cấp khi sát nhập, dồn dịch các trường học phải đảm bảo yếu tố nhân văn...

Cấp tiểu học, THCS phải làm có lộ trình, tránh theo phong trào. Công tác quy hoạch trường, lớp phải gắn với chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, đặc biệt là gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang hoàn thành các bộ chuẩn, quy chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm; kết hợp với các trường sư phạm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại. Yêu cầu đặt ra là phải có lộ trình, bước đi cho hợp lý; đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp, tránh thừa thiếu cục bộ...

3.Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ:Đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016 - 2020, tập trung rà soát, thống nhất chương trình và các tài liệu dạy học; đồng thời tập trung vào công tác khảo thí minh bạch, khách quan. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; các địa phương chủ động bồi dưỡng giáo viên, tránh tình trạng “chạy” chứng chỉ gây bức xúc trong xã hội.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục: Đẩy mạnh tin học hóa trong quản lý, quyết tâm xây dựng được hệ thống thông tin kết nối giữa Bộ với các Sở GD-ĐT thông suốt, xây dựng được cơ sở dữ liệu chung. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc dạy và học như mô hình lớp học thông minh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giảm bớt sổ sách không cần thiết cho các thầy cô giáo.

5. Công tác giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm:Năm học 201 -2018 sẽ là tâm điểm thực hiện Nghị định tự chủ trong nhà trường, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị định tự chủ của các trường mầm non, phổ thông.

6. Hội nhập quốc tế: Các Sở GD-ĐT phải tích cực tham mưu cho địa phương xây dựng những Đề án, chương trình thúc đẩy hội nhập quốc tế. Trong đó giải pháp quan trọng là xã hội hóa, để mỗi địa phương đều có yếu tố hội nhập ở các cấp học và ở mức độ khác nhau.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

7.Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục: Rà soát hệ thống trường lớp, có kế hoạch rõ ràng cho các trường thực hiện dạy học 1 buổi, 2 buổi/ngày, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nợ chuẩn. Có kế hoạch huy động vốn cụ thể từ nguồn vốn trung ương, vốn địa phương, nguồn xã hội hóa để khắc phục tình trạng trường, lớp học không được kiên cố hóa và giảm quy mô về sĩ số ở khu vực thành thị.

8- Phát triển nguồn nhân lực: Ở bậc phổ thông, các địa phương phải rà soát lại giáo dục cơ bản, giáo dục mũi nhọn, củng cố trường THPT chuyên, Bộ sẽ cân nhắc việc xây dựng thông tư hướng dẫn riêng về nhiệm vụ này. Thi học sinh giỏi cần được cải tiến sao cho nhẹ nhàng hơn, tạo động lực để bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và rà soát các tiêu chuẩn tuyển thẳng, cộng điểm.

9- Phân luồng và định hướng nghề nghiệp:Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, các tỉnh phải chú trọng bố trí số lượng giáo viên nghiêm túc thực hiện giáo dục hướng nghiệp, chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm; giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm phải làm tốt để học sinh định hướng nghề nghiệp, tạo tâm lý bình đẳng giữa đại học, nghề nghiệp.

5 giải pháp cơ bản

1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính:Tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, không đáp ứng yêu cầu đổi mới, kịp thời kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế về giáo dục và đào tạo. Tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm gọn nhẹ.

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục: Sau khi có chuẩn, quy chuẩn của các vị trí chức danh, đề nghị Học viện Quản lý giáo dục có các chương trình bồi dưỡng kịp thời để đánh giá, phân loại xếp hạng cán bộ quản lý, công tác bổ nhiệm yêu cầu phải đạt chuẩn. Đối với lãnh đạo phải nhìn vào năng lực kỹ năng quản trị trường học chứ không phải bằng cấp.

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục: Tích cực, chủ động tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh/thành phố các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng đẩy mạnh đầu tư vào các bậc học mầm non và giáo dục trung học phổ thông. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào những trường chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia vào phát triển sự nghiệp giáo dục.

4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Bộ sẽ tích hợp các thông tư trong lĩnh vực này thành các bộ chuẩn chất lượng và công bố cho các địa phương. Kiểm định chính là thước đo định lượng để thấy được mặt bằng chất lượng các địa phương đang ở đâu. Bộ cũng sẽ sớm ban hành chỉ số chất lượng để hướng tới phân tầng, xếp hạng chất lượng giáo dục của mỗi địa phương.

5.Đẩy mạnh công tác truyền thông: Cần đi vào chiều sâu, chủ động truyền thông bài bản.

Theo vietnamnet


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: